Posts Tagged ‘ truyền thông ’

Việc nghiên cứu các phương tiện truyền thông có liên hệ gì tới nền thần học hiện đại?

Việc nghiên cứu các phương tiện truyền thông có liên hệ gì tới nền thần học hiện đại?
VietCatholic News (13 Sep 2010 20:04)

Đó là câu hỏi được Lynn Schofield Clark, một chuyên viên hậu tiến sĩ tại Trung Tâm Nghiên Cứu Các Phương Tiện Truyền Thông Đại Chúng, thuộc trường Đại Học Colorado, đặt ra cho Uỷ Ban Nghiên Cứu Quốc Tế về Phương Tiện Truyền Thông, Tôn Giáo Và Văn Hóa của Hội Thần Học Công Giáo Hoa Kỳ, nhân cuộc hội thảo với chủ đề “Bắc Cầu giữa Thần Học và Việc Nghiên Cứu Các Phương Tiện Truyền Thông”, được tổ chức ngày 12 tháng 6 năm 1998.

Xã hội học và thần học

Clark cho hay dù ông có bằng cấp chủng viện, nhưng công trình nghiên cứu của ông về các phương tiện truyền thông phần lớn có tính xã hội học trong các vấn đề lý thuyết và phương pháp của nó, với sự nhấn mạnh tới tôn giáo ngày nay. Một cách cụ thể, ông lưu tâm tới việc làm cách nào người ta tìm ra ý nghĩa tôn giáo và tâm linh từ các văn bản của truyền thông đại chúng. Đây là tập chú chính của một dự án nghiên cứu có tên là “Chủ Nghĩa Biểu Tượng, Các Phương Tiện Truyền Thông, và Dòng Đời” (Symbolism, Media, and the Lifecourse), một dự án kéo dài 4 năm do Qũy Lilly bảo trợ nhằm nghiên cứu các vấn đề tạo ý nghĩa trong gia đình và cuộc sống hàng ngày của người ta.

Dù Clark không phải là một thần học gia, cũng không phải là người Công Giáo, nhưng ông hy vọng các đóng góp của ông dưới một nhãn quan khác sẽ giúp cho việc hiểu biết nhau và bắc được nhịp cầu giữa thần học và ngành nghiên cứu các phương tiện truyền thông.

Ba lý do thần học cần đến ngành nghiên cứu truyền thông

Đối với câu hỏi trên, Clark nghĩ hiện có ba lý do khiến các thần học gia quan tâm tới các phương tiện truyền thông, và cũng có ba việc ngành nghiên cứu các phương tiện truyền thông có thể học hỏi từ các thần học gia.

Lý do thứ nhất, thần học gia là người quan tâm tới văn hóa, và việc phân phối quyền lực trong xã hội. Trong khi ấy, các phương tiện truyền thông là nơi quan trọng dành cho việc nói lên các quan điểm đang thống trị hay đang độc quyền (hegemonic) trong xã hội. Vì thế, sở dĩ người có xu hướng thần học quan tâm tới các phương tiện truyền thông là vì họ dấn thân tìm kiếm công lý.

Theo Clark, một trong những khúc quanh đầy thích thú trong nền thần học gần đây dẫn người ta tới việc nhìn nhận văn hóa như là “qũy tích (locus) ưu hạng của mạc khải Thiên Chúa” theo kiểu nói của Roberto Goizueta. Đối với James Cone cũng như nhiều nhà thần học tranh đấu cho việc giải phóng phụ nữ ở Châu Mỹ La Tinh và các cộng đồng da mầu, thần học hẳn phải bắt nguồn từ cái hiểu thực dụng có tính lịch sử của người ta. Những nhà thần học này hướng chú tâm hàng đầu của họ vào ngữ cảnh các văn bản tôn giáo, hay kinh nghiệm và cái nhìn của người ta cũng như các đồ tạo tác (artifacts) và các ý niệm văn hóa.

Goizueta, chẳng hạn, đã mở rộng quan niệm về văn bản đức tin cổ điển của David Tracy để bao gồm không những các tư liệu chữ viết mà còn cả các chất liệu đức tin như Chặng Đàng Thánh Giá hay Đức Mẹ Guadalupe, vì cả hai đều nhập thân nhiều khía cạnh quan trọng của việc thực hành đức tin về phương diện văn hóa. Goizueta cũng mở rộng quan niệm của chúng ta về văn bản đức tin cổ điển để bao gồm các thực hành tôn giáo về phương diện xã hội, hay điều ta có thể gọi là văn bản trong ngữ cảnh (text in context). Thực vậy, trong một phê phán đối với khuynh hướng thần học quá nhấn mạnh tới các văn bản chữ viết mà quên mất các thực hành khác cũng góp phần vào thần học không kém, Goizueta viết rằng: giản lược Thiên Chúa vào một ý niệm cũng đáng sợ như việc giản lược Người vào một pho tượng!

Trong công trình của Orlando Espin về một Đạo Công Giáo bình dân, người ta cũng thấy cùng một tập chú như trên đối với văn hóa. Theo Espin, mọi nhận thức và học hỏi đều được văn hóa xác định và làm trung gian. Với cách tiếp cận đầy xây dựng của Goizueta và Espin đối với thần học, ta có thể thêm điều này: các phương tiện truyền thông cũng góp phần vào việc xác định ấy của văn hóa. Dĩ nhiên, điều ấy thường không diễn ra như ý ta muốn. Nhưng ta cần nhấn mạnh điều này: trong bất cứ ngữ cảnh nào trong thế giới ngày nay, người ta cũng không thể nào quan tâm tới văn hóa mà sao lãng các phương tiện truyền thông. Các phương tiện truyền thông cung cấp tín liệu và củng cố các niềm tin chung, hay ít nhất, cũng là những niềm tin đang chiếm vị thế độc quyền (hegemonic) trong nền văn hóa Phương Tây. Ta cần biết các niềm tin ấy để có thể nghĩ ra cách tái định nghĩa chúng, thách thức chúng và sử dụng được chúng cho các mục tiêu của ta, trong ngữ cảnh các tổ chức tôn giáo của ta và trong các cố gắng đạt công lý của ta.

Lý do thứ hai khiến cho việc nghiên cứu các phương tiện truyền thông có liên quan tới nền thần học hiện đại là: các phương tiện truyền thông cung cấp thứ ngôn ngữ hàng đầu cho kinh nghiệm văn hóa chung qua truyện kể, qua hình ảnh và ý niệm.

Dù muốn hay không, các phương tiện điện tử và in ấn vẫn cung cấp cho ta một ngôn ngữ chung, thường được chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tiêu thụ làm trung gian, theo nghĩa được mọi người trên thế giới chia sẻ. Sau đây là một điển hình. Trong khi nghiên cứu để hoàn thành luận án tiến sĩ, Clark gặp một thanh niên Ả Rập người Phi Châu theo Hồi Giáo. Người thanh niên này kể lại cuộc hành trình của anh ta tới Libya. Anh ta rất muốn nói với các thân nhân của mình về truyền thống Hồi Giáo, nhưng họ không muốn nghe những chuyện như thế. Họ bắt ngang câu chuyện và hỏi anh ta: “Anh có thích Michael Jackson không?”

Trong điển hình trên, ta thấy phương tiện nhạc phổ thông đã trở thành ngôn ngữ chung, được người trẻ khắp thế giới cùng nhau chia sẻ. Dĩ nhiên, điều ấy không chỉ giới hạn nơi người trẻ mà thôi. Vì bất cứ ai trong chúng ta, khi đặt bút viết điều gì, ta đều rút tỉa từ các kinh nghiệm văn hóa quen thuộc. Thông thường, các nhà khoa bảng thường chỉ bị lôi cuốn bởi nền văn hóa ưu tú (elite culture). Họ sử dụng các tác phẩm bác học, các tiểu thuyết và thi ca cổ điển. Họ chỉ nghĩ đến những kinh nghiệm đi thăm các phòng trưng bày nghệ phẩm hay đi xem một cuốn phim được giới phê bình tán thưởng. Những điều đó mới “nói” với họ được, theo nghĩa không những chúng được dùng để minh giải tư tưởng của họ mà còn nắm bắt được khía cạnh xúc cảm trong tư duy của họ.

Và đó là một trong những thách đố được Paulo Friere đặt ra cho các nhà giáo dục. Ông viết: “Các nhà giáo dục và các chính trị gia thường hay nói nhưng chẳng được ai hiểu vì ngôn ngữ của họ không thích ứng với hoàn cảnh cụ thể của người nghe… Để thông đạt một cách hữu hiệu, nhà giáo dục và chính trị gia phải hiểu rõ các điều kiện cơ cấu vốn lên khuôn tư tưởng và ngôn ngữ của người ta về phương diện biện chứng”.

Nhưng tư tưởng và ngôn ngữ của người ta được lên khuôn như thế nào? Đâu là ngôn ngữ của người ta? Xin thưa, đó chính là ngôn ngữ của các phương tiện truyền thông đại chúng. Peter Horsfield, một thần học gia đáng kính của Úc, từng nói rằng nhiều nhà khoa bảng không thích các phương tiện truyền thông đại chúng vì bản chất thương mãi của chúng và vì tính mơ hồ và phi sắc tướng (amorphous) của chúng về phương diện tâm linh. Nhưng nền văn hóa ưu tú (high culture) cũng đâu phải là phi thương mãi. Mozart, khi được hỏi tại sao không bao giờ sáng tác một bản concerto, từng trả lời rằng: “Vì đâu có ai đặt tôi sáng tác như thế”. Có người cũng cho rằng giữa tôn giáo và truyền thông thương mãi vốn có nhiều liên hệ với nhau. Hãy lấy Martin Luther làm thí dụ. Các tư tưởng của ông được truyền bá phần lớn là vì các nhà in thương mãi tại Âu Châu thấy ông là một tác giả sinh nhiều lợi nhuận cho họ.

Nền văn hóa đại chúng không phải là nơi phát sinh ra dịch bản mới nhất của Kitô Giáo, nhưng chắc chắn nó là một ngữ cảnh của văn hóa. Nó là ngôn ngữ hàng đầu của đại đa số người ta. Cho nên, thiển nghĩ thần học phải nghiêm túc xem sét nó nếu các thần học gia muốn được người ta nghiêm chỉnh xem sét mình, coi mình như những người biết thực sự quan tâm tới họ.

Cho nên, một trong những cây cầu hiển nhiên giữa thần học và ngành nghiên cứu các phương tiện truyền thông chính là mối quan tâm tới các kinh nghiệm có ý nghĩa của người ta. Bởi thế, một điều mà ngành nghiên cứu các phương tiện truyền thông có thể đem lại cho các thần học gia chính là việc hiểu biết hơn cách làm thế nào để cái thế giới quan chung và hầu như độc quyền kia cũng như những câu truyện phần lớn có tính nghi vấn đang được loan truyền trong nhiều phương tiện truyền thông kia trở nên có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày của người ta, cả về phương diện tôn giáo.

Các phương tiện truyền thông mà lại có ý nghĩa tôn giáo? Hẳn ai cũng phải ngạc nhiên. Clark bảo chính ông cũng vậy. Một điều kỳ thú ông nhận ra lúc tìm hiểu để viết về thanh thiếu niên là diễn trình tác động qua lại giữa các phương tiện truyền thông và bản sắc tôn giáo, một diễn trình được ông gọi là “tái sinh” (regeneration). Đó là trường hợp Jodie, một thiếu nữ 20 tuổi không muốn chấp nhận các niềm tin của nền dưỡng dục Thệ Phản nữa vì, như cô nói, có “quá nhiều sự kiện đi ngược lại Thánh Kinh”. Khi được hỏi cô thích tin vào chương trình truyền hình nào, thì cô nói “có lẽ là X-Files… Trong tâm tư tôi, chắc chắn ta không phải là sinh vật thông minh duy nhất… Thiên Chúa là một hữu thể cao hơn, làm sao ta biết ngài không phải là một giống người lạ? Trong X-Files, Mulder đã chẳng nói một điều như thế đó sao, rằng làm sao ta biết Thiên Chúa không phải là một giống người lạ?”

Trong thí dụ trên, ta có thể nhìn ra một diễn trình qua đó, bản văn của phương tiện truyền thông, hay cách Jodie đọc bản văn đó, đã góp phần cung cấp tín liệu và củng cố điều được cô coi như một niềm tin tôn giáo. Thực vậy, chúng cung cấp cho cô một cái khung để hiểu các niềm tin của cô và một ngôn ngữ nhờ đó cô thông đạt các niềm tin đó cho người khác. Cô chờ mong nhân vật Mulder, một kẻ hoài nghi các định chế và dự án, xem anh ta nói gì về Thiên Chúa để cả cô nữa cô cũng coi đó như niềm tin của mình. Điều ấy chính là điều Clark gọi là tái sinh: lấy bản văn của phương tiện truyền thông rồi từ đó, tái sinh ra một ý nghĩa; ý nghĩa này sau đó sẽ củng cố và cung cấp tín liệu cho cái hiểu tôn giáo.

Điều trên có nhiều hệ luận quan trọng đối với ngữ cảnh tôn giáo, như Mary Hess, một nhà giáo dục tôn giáo của Công Giáo, từng nhận định. Chương trình X-Files đã trở thành một phương cách để thiếu nữ kia nói về niềm tin của mình và điều gì quan trọng đối với cô. Điều ấy không những chứng minh rằng nền văn hóa đại chúng có thể được dùng làm tài nguyên để người trẻ suy nghĩ về tôn giáo. Mà nó còn là điểm nhấn để đối thoại trong các giáo hội, trong các chủng viện, hay trong các ngữ cảnh khác.

Nhưng các phương tiện truyền thông không phải chỉ là nguồn ý nghĩa và cái hiểu tôn giáo cho những người trẻ không có hậu cảnh tôn giáo. Và đây là lý do thứ ba khiến thần học cần lưu tâm tới ngành nghiên cứu các phương tiện truyền thông. Các phương tiện này còn là ngôn ngữ hàng đầu của ý nghĩa qua đó tôn giáo được cảm nghiệm, được hiểu và được làm cho có ý nghĩa đối với chính những người vốn đang hiện hữu trong ngữ cảnh tôn giáo truyền thống.

Một linh mục có lần nói với Clark về Phép Rửa mà chính ngài cử hành. Gia đình bé thơ tụ họp quanh ngài, trong đó có cả đứa anh trai lên 5. Khi vị linh mục chúc lành cho bé thơ và nâng em ra khỏi nước, mắt đứa anh trai bỗng sáng lên như nhận ra một điều gì và rồi em hân hoan hô lớn: “The Lion King!” (Sư Tử Vua).

Điểm quan trọng của câu truyện là Phép Rửa đã trở thành một cảm nghiệm tôn giáo có ý nghĩa đối với đứa trẻ vì “Sư Tử Vua” vốn có ý nghĩa; chứ không ngược lại. Khi nghe kể lại câu truyện này nhân một cuộc gặp mặt của các nhà giáo dục tôn giáo của Công Giáo, có bà phát biểu: quả là câu truyện lý thú, vì lâu nay bà đã tốn biết bao thì giờ tìm tài nguyên để giúp các bậc phụ huynh hiểu phần nào tư duy thần học hiện nay về Phép Rửa. Bà thấy rằng khi được hỏi tại sao Phép Rửa quan trọng, phần lớn người ta chỉ biết nhắc lại những điều xưa cũ mà chính họ cũng chỉ hiểu mù mờ, như Phép Rửa tha tội nguyên tổ và biến ta thành con cái Nước Trời. Trái lại, trình bày khúc phim “Sư Tử Vua” sẽ giúp người ta “ngộ” được sự cam kết của cả cộng đoàn đối với đứa trẻ, cả trên bình diện trừu tượng lẫn trên bình diện còn quan trọng hơn nữa là bình diện xúc cảm. Như thế, câu truyện do các phương tiện truyền thông cung cấp đã đem lại cho ta một cái khung để hiểu được ý nghĩa một biến cố tôn giáo, chứ không ngược lại.

Đó quả là khúc quanh có ý nghĩa do các biến cố đem đến. Khúc quanh đó mời gọi ta nhìn nhận điều này: Giáo Hội không còn có thể chỉ dựa vào thế giá luân lý và học lý có tính lịch sử của mình nữa. Đàng khác, không thể cho rằng các biểu tượng của Giáo Hội tự chúng có ý nghĩa nội tại. Ta phải coi chúng như “có khả năng trở nên có ý nghĩa” mà thôi, điều này tùy thuộc ngữ cảnh của bản văn. Giống bất cứ biểu tượng nào, các biểu tượng tôn giáo đều không được người ta cho là tự chúng có ý nghĩa. Chúng phải được biến thành có ý nghĩa…

Việc ấy mang lại nhiều hệ luận đối với điều ta tìm kiếm nơi các phương tiện truyền thông. Thí dụ, thay vì chỉ đọc các câu truyện do các phương tiện tuyền thông cung cấp, ta sẽ tìm cách khám phá xem những câu truyện và biểu tượng ấy đã trở nên có ý nghĩa như thế nào và vào lúc nào đối với các độc giả hay cử tọa của chúng. Nghĩa là, ta cần chú ý nhiều hơn tới con người.

Vì nền văn hóa đại chúng là ngôn ngữ hàng đầu đem lại ý nghĩa cho người ta, nên ta không thể đơn giản coi nó là hời hợt, là phiến diện được nữa. Coi một chương trình truyền hình như “Touched by an Angel” (Được Một Thiên Thần Hướng Dẫn) chẳng hạn là hời hợt, hay coi nền âm nhạc Kitô Giáo hiện đại như một thứ “kẹo bông đối với trí óc” (cotton candy for the brain), là vô tình bác bỏ điều vốn có ý nghĩa đối với cuộc sống hàng ngày của người ta. Nó cũng giống như việc một số người coi Đức Mẹ Đồng Trinh của Guadalupe như một thứ lầm lạc chỉ vì không phù hợp với qui điển thần học của họ.

Ba điều ngành nghiên cứu truyền thông cần đến thần học

Trên đây là một số lý do khiến các thần học gia nên chú ý tới việc nghiên cứu các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, ngành nghiên cứu các phương tiện truyền thông cũng học hỏi được ít nhất ba điều sau đây từ thần học.

Thứ nhất, ngành nghiên cứu các phương tiện truyền thông tuy quan tâm tới việc tạo ra ý nghĩa, nhưng thường không chịu định nghĩa chính từ ngữ “ý nghĩa”. Thay vào đó, ngành này cho rằng ý nghĩa là điều xẩy ra nơi cử tọa và do đó, tùy cử tọa nói ra ý nghĩa ấy. Thần học, nhờ quan tâm đến việc nói về ý nghĩa liên quan tới Đấng Tối Hậu, có thể cung cấp cho ta một số hướng dẫn về các phạm trù người ta thường dùng khi sử dụng từ ngữ ý nghĩa. Điều đó có thể làm phong phú thêm các phân tích của ngành nghiên cứu các phương tiện truyền thông.

Thứ hai, ngành nghiên cứu các phương tiện truyền thông cần được giúp đỡ để khám phá ra các mối liên kết giữa hệ thống giá trị được người ta công bố và các định chế lịch sử của tôn giáo. Nhiều nhà nghiên cứu thấy rằng người ta cảm thấy dễ chịu hơn khi nói về cả các chọn lựa của truyền thông lẫn việc lên bản sắc tôn giáo trong nền luân lý bản thân của mình. Phải chăng, đối với người ta, luân lý và tôn giáo chỉ là một? Nếu không, làm sao ta biết là chúng khác nhau như thế nào đối với người ta?

Thứ ba, ngành nghiên cứu truyền thông về phương diện văn hóa thường hiểu chính trị và công lý theo nghĩa Mácxít. Đó là lý do tại sao nó dễ gạt tôn giáo qua một bên. Làm thế nào để cái hiểu về vai trò giải phóng của tôn giáo (cả bình dân lẫn định chế) nơi các phong trào quần chúng có thể cung cấp tín liệu và thâm hậu hóa được cái hiểu của ngành nghiên cứu truyền thông về chính trị?

Không có gì linh thánh

Không Có Gì Linh Thánh (Nothing Sacred) là một vở kịch nhiều kỳ chiếu trên Đài ABC trong hai năm 1997 và 1998, do một linh mục Dòng Tên, Cha Bill Cain, sáng tác và do David Manson sản xuất. Vở kịch nói về một linh mục cấp tiến thuộc thập niên 1970, một người được mô tả là hoài nghi. Vở kịch bị nhiều người phê phán là đã mô tả người Công Giáo ngoan đạo như những người lạnh lùng và độc ác trong khi ca tụng sự bất chính thống và sự bất kính. Vở kịch và những người bảo trợ bị Liên Đoàn Công Giáo Mỹ tẩy chay. Và sau cùng, Đài ABC phải hủy bỏ ngang xương vào tháng 3 năm 1998.

Clark cho rằng sở dĩ vở kịch này được chiếu trên truyền hình vì nó đề cập tới nhu cầu cần có tôn giáo và thần học để người ta coi trọng các phương tiện truyền thông. Nói theo Martha Williamson, nhà sản xuất bộ phim “Được Một Thiên Thần Giao Tiếp” (Touched by an Angel) (1), hiện nay, trong kỹ nghệ truyền hình, tôn giáo được coi như “gia vị trong tháng” và có nhiều người còn coi nó như “gia vị trong cuộc sống người ta”. Tuy nhiên, thoạt đầu có tới 6 triệu lượt người vào xem “Không Có Gì Linh Thánh” nhưng càng về sau, con số càng giảm, xuống chỉ còn một nửa. Đến độ, riết rồi ít người còn nhắc tới bộ phim ấy. Một gia đình Công Giáo gốc Châu Mỹ La Tinh cho rằng tại nó có nội dung tiêu cực đối với Đạo Công Giáo nên đã quyết định không coi bộ phim này. Một người Thệ Phản có khuynh hướng bảo thủ cho rằng đây là một chương trình truyền hình điển hình mà ông không bao giờ coi vì nó “phạm thánh”. Điều đáng lưu ý là đối với ông, loạt phim “The Simpsons” cũng thuộc loại phạm thánh.

Tuy thế, loạt phim này vẫn lôi cuốn một số khán giả, những người cho rằng nó phản ảnh kinh nghiệm của họ, những người được chính soạn giả mô tả thuộc thiểu số có học và có khuynh hướng cấp tiến, không nhất thiết phải là Công Giáo, thấy mình thất vọng về tôn giáo định chế. Ấy thế nhưng, theo bài xã luận của tờ “Commonweal”, loạt phim này cũng khẳng định sự đồng nhất với định chế bằng cách mô tả nhiều thời điểm bí tích. Thành thử, thật ra, loạt phim này có ý nghĩa cả với định chế lẫn những người thất vọng về định chế ấy. Cho nên, nói về sự ủng hộ của định chế, một hệ luận quan trọng của phương thức lấy khán giả làm tâm điểm là thử hỏi xem:

A. Nếu đặt nó vào một khung cảnh giải trí khác, thì làm cách nào “Không Có Gì Linh Thánh” kiếm ra khán giả? Và các giáo hội định chế có thể giúp được gì trong diễn trình này? Một điều nữa: làm thế nào các giáo hội định chế có thể sử dụng “Không Có Gì Linh Thánh” làm tài nguyên để cùng các phương tiện văn hóa đại chúng khác nói về đức tin, về truyền thống và kinh nghiệm tôn giáo?

Khi được hỏi: loạt phim nào, theo bạn, được người ta ưa thích hơn “Không Có Gì Linh Thánh”, phần lớn trả lời “Được Một Thiên Thần Hướng Dẫn”. Dù sao, loạt phim này cũng đã thường xuyên lôi cuốn được 22 triệu người Mỹ xem. Đây là điều ta cần suy nghĩ, vì ngữ cảnh của “Không Có Gì Linh Thánh” không phải là nền văn hóa Công Giáo. Ngữ cảnh ấy chính là sự cạnh tranh giữa các chương trình truyền hình để có khán giả. Thành thử câu hỏi chủ yếu cần đặt ra là tại sao “Không Có Gì Linh Thánh” thất bại mà “Được Một Thiên Thần Hướng Dẫn” lại thành công?

Nói cho ngay: phần lớn các nhà khoa bảng không thích loạt phim sau. Họ thường nêu ra 5 lý do cho việc họ không thích loạt phim này:

5. Không nhắc gì tới tôn giáo định chế.

4. Giản lược luân lý xuống bình diện chọn lựa cá nhân; không hề phê phán các bất bình đẳng về cơ cấu và định chế hóa.

3. Cho người ta cảm giác Thiên Chúa giải quyết các vấn đề bản thân và xã hội bằng các can thiệp siêu nhiên vào cuộc sống các cá nhân.

2. Nó cảm xúc hóa tôn giáo.

1. Nó đưa ra các câu trả lời hời hợt và liến thoắng cho các vấn đề phức tạp của xã hội.

Như thế, dựa vào quan điểm của khán giả, ta học được điều gì? Có thể cho rằng có lẽ người ta không nhất thiết muốn tôn giáo phải trừu tượng và gây mâu thuẫn; họ muốn nó dễ lui tới. Cả “Không Có Gì Linh Thánh” lẫn “Được Một Thiên Thần Hướng Dẫn” đều sử dụng các câu truyện, dù loạt phim đầu được nhiều người coi là phức tạp hơn loạt phim sau. Nhưng có lẽ ngay những người chịu xem “Không Có Gì Linh Thánh” cũng có thể rút ra được một ý nghĩa nào đó làm cho cách tiếp cận phức tạp của nó ra đơn giản hơn. Các nhà khoa bảng có thể buồn khi biết điều đó, nhưng nếu đó là cái nhìn của quần chúng, thì hẳn họ sẽ không đi tìm khuyết điểm của cái nhìn đó mà là cái có ý nghĩa trong đó. Điều này dẫn ta tới hệ luận thứ hai:

B. Có thể rút ra được điều gì trong cái ta gọi là các câu trả lời liến thoắng cho các vấn đề phức tạp để mang lại ý nghĩa thần học cho người ta? Và cả hệ luận có liên quan này nữa:

C. Nếu người ta tự xây dựng cho mình các ý nghĩa tôn giáo riêng bằng cách dựa vào các tài nguyên văn hóa, thì làm cách nào xây dựng được các suy nghĩ thần học có ý nghĩa đối với người ta mà không cần đến định chế? Điều này cho thấy cần phải khảo sát kỹ hơn các thực hành tôn giáo bình dân cũng như các thực hành trong các ngữ cảnh Châu Mỹ La Tinh, người Da Đen, duy nữ và các nền thần học khác. Nó cũng cho thấy điều nữa: các thần học gia cần khảo sát xem người ta sử dụng các phương tiện truyền thông ra sao.

Tóm lại, suy nghĩ về các phương tiện truyền thông như thành phần tạo ra văn hóa không phải chỉ là suy nghĩ về vấn đề bản văn thánh đối chọi với bản văn đời. Dĩ nhiên ta có thể cho rằng bản văn thánh tiên thiên có thế giá, nhưng hẳn ta mong thấy giả thiết ấy được nhiều cuộc nghiên cứu về lối sống của người ta hỗ trợ. Nhiều người sợ rằng hiện nay người ta có khuynh hướng coi các bản văn thánh, và nói chung bất cứ điều gì có liên hệ tới tôn giáo định chế, đều chỉ có thế giá tương đối. Các công trình nghiên cứu về tôn giáo của các tác giả như David Morgan về ảnh tượng, của Mary Hess về các phương tiện truyền thông trong ngữ cảnh giáo dục tôn giáo và ngay cả của một số tác giả Công Giáo đã trích dẫn trên đây đều có những nhận định như thế. Giống bất cứ biểu tượng văn hóa nào nói chung, các biểu tượng tôn giáo không tự chúng có ý nghĩa. Điều ấy cho thấy ta không thể tách Kitô Giáo ra khỏi ngữ cảnh văn hóa. Các biểu tượng, các truyện ký, các thực hành đều có liên hệ với ngữ cảnh của chúng. Truyện ký giúp người ta hiểu; biểu tượng trở nên có nghĩa khi được lồng trong truyện ký.

Phải đặt các biểu tượng tôn giáo trong một ngữ cảnh có thể làm cho chúng có nghĩa đối với người ta. Các phương tiện truyền thông có thể làm được việc đó: nó giúp các biểu tượng tôn giáo hiện diện trong ngữ cảnh truyện ký và được thưởng ngọan trong các căn hộ của người ta. Các tổ chức tôn giáo và văn hóa có thể tạo ra các truyện ký tôn giáo cả từ trong truyền thống và định chế lẫn từ trong các hình thức mới của truyền thông đại chúng. Ta cần nhớ rằng thông đạt luôn là diễn trình đối thoại hai chiều; điều quan trọng không phải chỉ là hiểu điều phát đi mà còn cả điều thu nhận nữa. Như thế, việc thu nhận hay việc người ta tạo ra ý nghĩa mới chính là chỗ để ý nghĩa thần học xuất hiện. Bao lâu các phương tiện truyền thông được dùng để cung cấp tín liệu, nó sẽ trở thành một khía cạnh quan trọng đối với nền thần học hiện đại.

(1) “Được Một Thiên Thần Hướng Dẫn” (Touched by An Angel) là một bộ phim nhiều kỳ chiếu lần đầu trên hệ thống CBS tại Mỹ, kéo dài từ ngày 21 tháng 9 năm 1994 qua 211 kỳ và 9 mùa cho đến kỳ kết thúc vào ngày 27 tháng 4 năm 2003. Phim nói về một thiên thần được Thiên Chúa phái tới hướng dẫn những người đang ở khúc quanh cuộc đời, gặp nhiều khó khăn trong những quyết định rắc rối. Thiên thần đem đến cho họ niềm hy vọng cậy trông và hướng dẫn họ vượt qua các khúc mắc của cuộc sống.
Vũ Văn An